Động thai là nỗi lo lắng của rất nhiều bà bầu. Khi bà bầu bị động thai, ngoài việc uống thuốc theo đúng yêu cầu của bác sĩ thì bà bầu cần biết rõ mình nên ăn gì và nghỉ ngơi như thế nào để nhanh phục hồi sức khỏe. Hãy cùng Hoctiensan.com tìm hiểu rõ hơn các vấn đề dưới đây nhé!

I. Những điều mẹ cần biết về động thai

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến động thai. Trong đó suy giảm nội tiết là nguyên nhân thường gặp nhất. Do đó, đa phần các trường hợp động thai đều được kê thuốc nội tiết dưỡng thai. Mẹ bầu cũng đừng lo lắng uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến con vì các bác sĩ đã cân nhắc kĩ điều này khi kê đơn, mẹ có thể yên tâm sử dụng thuốc theo đơn kê thời gian này.

Bà bầu bị động thai thông thường có xuất huyết âm đạo và đau bụng. Tuy nhiên có những trường hợp động thai chỉ thấy bóc tách trên siêu âm, chứ không thấy xuất huyết bên ngoài âm đạo. Nếu lo lắng, mẹ bầu có thể hỏi bác sĩ siêu âm kiểm tra có bóc tách túi thai hay không.

Với bà bầu bị động thai, việc quan trọng lúc này là dưỡng thai. Bà bầu nên đi đứng nhẹ nhàng, nghỉ ngơi đầy đủ, giữ tinh thần thoải mái và tái khám đúng hạn. Tốt nhất là bạn nên cân nhắc nghỉ làm một thời gian, ưu tiên nghỉ ngơi tại giường, kiêng hoạt động mạnh, quan hệ. Tránh để bản thân bị căng thẳng, stress. Bên cạnh nghỉ ngơi, để phục hồi sức khỏe thai kỳ mẹ bầu cũng nên tuân thủ một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng như sau.

II. Bà bầu nên ăn gì khi bị động thai?

Để dưỡng thai ngoài việc tuân thủ theo những điều dặn dò của bác sĩ, mẹ bầu cần đảm bảo được những tiêu chí ăn uống sau.

Khi bị động thai, chế độ ăn của bà bầu nên đảm bảo các điều sau:

  • Ăn sáng đều đặn mỗi ngày. Ngay cả khi bà bầu cảm thấy khó chịu ở dạ dày, việc ăn sáng vẫn là cần thiết, bà bầu có thể ăn bột ngũ cốc hoặc bánh quy làm từ ngũ cốc. Sau đó có thể ăn bữa phụ là sữa chua, sữa, trái cây, các loại hạt…
  • Nên ăn thức ăn mềm dễ tiêu hóa kết hợp cân đối rau xanh, hoa quả và tinh bột. Mẹ bầu nên tích trữ nhiều trái cây. Đây không những là bữa ăn nhẹ lý tưởng mà còn giúp tránh việc bà bầu bị táo bón.
  • Uống một lượng nước vừa đủ kết hợp đi lại nhẹ nhàng sẽ giúp bà bầu hạn chế tình trạng táo bón do phải nghỉ ngơi nằm nhiều giai đoạn này.
  • Lưu ý bổ sung dưỡng chất đầy đủ, đặc biệt là DHA, EPA, acid folic, sắt… để cơ thể khỏe mạnh, tăng cường lưu lượng máu tới tử cung, tạo điều kiện thuận lợi cho thai nhi làm tổ và phát triển tốt nhất.
Chế độ dinh dưỡng của bà bầu bị động thai cần được đặc biệt quan tâm

III. Những thực phẩm nào nên tránh khi bị động thai

Tránh các loại thức ăn nhiều dầu mỡ vừa khó tiêu hóa vừa tăng nguy cơ bị táo bón.

  • Thận trọng khi ăn cá. Mặc dù cá là loại thực phẩm rất tốt cho bà bầu như DHA, vitamin A nhưng một vài loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao có thể gấy hại thai nhi như cá mập, cá kiếm, cá thu loại lớn. Do đó, đã có khuyến cáo là khi mang thai bà bầu không nên ăn quá 350g bất lỳ loại cá nào. Nếu muốn đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho thai kỳ, bạn có thể tham khảo một số vitamin tổng hợp cho bà bầu.
  • Không ăn các loại đồ ăn tươi sống như rau sống, gỏi cá, sashimi, thịt gia cầm, thịt gia súc chưa chín tới. Những thức ăn này có thể chứa vi khuẩn gây hại. Trong thai kỳ, đặc biệt là sau khi bị động thai mẹ bầu không nên ăn những loại này để phòng tránh bệnh tả dẫn đến sẩy thai.
  • Một số thực phẩm tuyệt đối không sử dụng khi bà bầu bị động thai như đồ có chất kích thích, uống rượu, bia, hút thuốc lá.

Trường hợp bà bầu bị nghén và nôn ói nhiều có thể chuẩn bị một số kẹo ngọt, the, chua (tùy vị giác mỗi người) ngậm tránh lạt miệng. Luôn phải đảm bảo không để dạ dày trống, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và tránh nêm nếm gia vị nhiều.

Mẹ bầu nên lưu ý tất những điều này cũng không hoàn toàn đảm bảo cho tránh được sẩy thai. Vì vậy, nếu đã từng bị động thai bạn cần tuân thủ các chế độ điều trị của bác sĩ và tái khám theo hạn hoặc tái khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường.

IV. Một số món ăn bổ dưỡng giúp an thai và dưỡng thai

1. Cháo hạt sen

Chuẩn bị: Hạt sen 50g, gạo nếp 100g, đường trắng 20g.

Chế biến: Hạt sen bỏ vỏ, bỏ tâm, cùng gạo nếp xay thành bột. Cho vào nồi thêm vừa nước rồi đun sôi kỹ, quấy đều tay khi cháo chín thì cho đường, cháo sôi lại là được.

Nên ăn: Ngày 2 lần, lúc đói. Cần ăn liền 7 – 10 ngày.

Cháo hạt sen rất tốt cho bà bầu bị động thai

2. Cháo hồng táo

Chuẩn bị: Hồng táo 10 quả, gạo nếp 100g, đường trắng 20g.

Chế biến: Hồng táo (táo tàu màu hồng) bỏ hạt giã nhỏ, gạo nếp xay thành bọt. Cho vào nồi thêm vừa nước, đun lửa riu riu và quấy đều tay. Khi cháo chín cho đường trắng vào đun tiếp, cháo sôi lại là được.

Nên ăn: Ngày 2 lần, lúc đói. Cần ăn 7-15 ngày liền.

3. Cháo cá chép

Chuẩn bị: Cá chép 1 con (khoảng 500g), gạo nếp 100g, hành hoa, gừng, các loại gia vị.

Chế biến: Cá chép bỏ sạch ruột, đánh vẩy rửa sạch và đem ướp với gừng, mắm, muối khoảng 20 phút. Cho cá chép, gạo nếp vào nồi thêm 500ml nước, ninh đến khi nhừ gạo nếp. Nêm nếm gia vị vừa miệng, và cho thêm hành ăn sẽ ngon hơn.

Nên ăn: ngày 1 lần, cần ăn liền 10 ngày.

Cháo cá chép

4. Cháo củ mài

Chuẩn bị: Củ mài tươi 100g, gạo nếp 100g, thịt lợn nạc 100g, bột gia vị vừa đủ.

Chế biến: Rửa sạch thịt nạc băm nhỏ rồi ướp bột gia vị, củ mài bỏ vỏ xắt miếng. Ninh nhừ củ mài và gạo nếp bằng nước trước. Đợi cháo chín cho thịt vào quấy đều, đợi chín rồi cho bột gia vị vào là được.

Nên ăn: ngày 1 lần, cần ăn liền trong 10 ngày.

5. Cháo hoàng kỳ

Chuẩn bị: Hoàng kỳ 30g, gạo tẻ 50g, thịt lợn nạc 100g, bột gia vị vừa đủ.

Chế biến: Gạo tẻ nghiền thành bột. Thịt lợn nạc rửa sạch, băm nhỏ ướp gia vị rồi xào chín. Cho hoàng kỳ vào nồi cùng nước đun sôi kỹ, chắt lấy 250ml nước hoàng kỳ đặc, bỏ bã. Cho bột gạo vào nước hoàng kỳ đun trên lửa nhỏ, khi cháo chín cho thịt lợn vào quấy đều, cháo sôi lại là được.

Nên ăn: ngày một lần, lúc đói, cần ăn liền 5 ngày.

6. Cháo bầu dục

Chuẩn bị: Bầu dục lợn 1 đôi, gạo tẻ 50g, đỗ trọng 12g, gia vị vừa đủ.

Chế biến: Bầu dục lợn làm sạch rồi tẩm gia vị. Gạo tẻ xay thành bộ. Đỗ trọng thì đun lấy nước, cho khoảng 300ml nước đợi sôi thì chắt mình nước. Tiếp đó cho bầu dục vào, đợi chín thì cho bột gạo vào quấy đều. Đun lửa nhỏ trong cả quá trình nấu.

Nên ăn: Chia làm 2 lần ăn trong ngày. Cần ăn liền 5 ngày.

7. Nước ngải cứu

Chuẩn bị: lá ngải cứu 16g, tía tô 16g

Chế biến: Lá ngải cứu, tía tô đem rửa sạch cho thêm 600ml nước. Sắc đến khi còn khoảng 100ml là được. Thuốc sẽ hơi khó uống, bạn có thể pha thêm chút đường để dễ uống hơn.

Cách uống: Uống thành 3-4 lần trong ngày.

Nước lá ngải

8. Nước lá sen

Chuẩn bị: Lá sen 100g, đường đỏ 30g.

Chế biến: Lá sen rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi đun với 300ml nước, đợi sôi kỹ chắt lấy 200ml nước lá sen đặc, bỏ bã. Cho đường đỏ vào đợi sôi là được.

Cách uống: Chia 3 lần uống trong ngày, cần uống liền 3 ngày.

9. Nước lá gai

Chuẩn bị: Lá gai 50g, gạo nếp 50g,

Chế biến: Lá gai phơi khô, gạo nếp sao vàng. Cả hai thứ cho vào nồi thêm 250ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 200ml nước đặc, bỏ bã.

Cách uống: Chia 3 lần uống trong ngày, cần uống liền 3-5 ngày.

Xem thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây